Chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam: Ưu tiên doanh nghiệp nào?

Chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam: Ưu tiên doanh nghiệp nào?

Không ít chuyên gia cho rằng, việc chỉ định thầu cụm 9 dự án có tổng mức đầu tư hơn 93.000 tỷ đồng có nhiều rủi ro…

 

Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công, còn Bộ KH&ĐT tham mưu chỉ định thầu các dự án này.

Từ đấu thầu quốc tế đến chỉ định thầu 

Chính phủ đã thống nhất phương án chuyển đổi 9 dự án hạ tầng vào loại lớn nhất hiện nay từ hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công. Trong đó, 8 dự án cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (Mỹ Thuận là cầu nối giữa Tiền Giang và Vĩnh Long) có mức đầu tư 5.408 tỷ đồng được đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022. Tổng mức đầu tư công cho 9 dự án này ước tính lên tới 93.639 tỷ đồng. Việc dùng ngân sách đầu tư 9 dự án nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích thích đầu tư, tạo công ăn việc làm trong và sau dịch COVID-19 được dư luận, giới chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu khiến cho không ít chuyên gia lo ngại.

Trong thông báo số 147/TB-VPCP (của Văn phòng Chính phủ phát hành ngày 7/4) có nêu, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ: “Xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”. Chính phủ chưa quyết định việc chỉ định thầu, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại về việc này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, người có nhiều năm theo dõi các dự án đầu tư giao thông, nói rằng, tháng 5/2018, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Bắc-Nam, trong đó yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư quốc tế. Đến nay, chúng ta không những không thực hiện được việc chọn nhà đầu tư quốc tế, việc chọn nhà đầu tư trong nước cũng không thành, rồi chuyển sang đầu tư công, mà lại có ý định chỉ định thầu nên ông rất băn khoăn.

“Rõ ràng, phương án ban đầu đã thất bại. Trong bối cảnh hiện nay, có thể chấp nhận đầu tư công nhưng lại đầu tư công bằng cách chỉ định thầu không khác gì “đầu voi đuôi chuột”. Không đấu thầu một cách công khai, đúng luật sẽ khiến dư luận nghi ngại, doanh nghiệp không được cạnh tranh và rủi ro cho cả những người quyết định, quản lý dự án”, ông Thanh nói. Một số chuyên gia khác, trong đó có tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề về lợi ích nhóm nếu triển khai theo hướng chỉ định thầu.

Cơ hội cho cả doanh nghiệp quốc phòng và dân sự

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng được chỉ định. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, cho hay, ông vẫn ủng hộ phương án đấu thầu nhưng phải “đấu ra đấu”; trường hợp phải chỉ định thầu, có thể ưu tiên các doanh nghiệp quốc phòng thực hiện ở các dự án xung yếu ở các khu vực có nhu cầu cao về đảm bảo an ninh-quốc phòng. “Quá trình theo dõi các dự án giao thông, tôi thấy chất lượng và tiến độ công trình của các đơn vị quân đội đảm bảo, nhất là tính kỷ luật trong thi công. Vai trò của quân đội trong phòng chống dịch cũng đã làm nức lòng người dân thời gian qua. Có thể ưu tiên, chỉ định cho doanh nghiệp quốc phòng, tất nhiên không phải là tất cả”, ông Chủng nói.

Theo ông Thanh, việc Nhà nước ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp quốc phòng là điều dễ hiểu, nhưng không phải doanh nghiệp quốc phòng nào mạnh, cũng làm tốt, doanh nghiệp dân sự nào cũng yếu, cũng làm bậy. “Ở đây, cũng cần để ý đến việc một số doanh nghiệp quân đội đã cổ phần hóa và mối quan hệ kinh tế chằng chịt giữa các doanh nghiệp”, ông nói.

Theo thông tin phóng viên Tiền Phong có được, mới đây, một công ty tư nhân chủ yếu hoạt động về quản lý dự án giao thông đã liên kết với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (một doanh nghiệp quốc phòng) đề nghị Thủ tướng và các bộ liên quan được chỉ định thầu thi công đến 6 dự án cao tốc Bắc-Nam.

Trước động thái ưu tiên doanh nghiệp quốc phòng, hoặc “một phần quốc phòng”, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại. Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành (doanh nghiệp thi công khoảng 200 km đường cao tốc, chiếm 1/10 số ki-lô-mét đường cao tốc hiện nay), đề xuất: “Chỉ nên ưu tiên một phần cho doanh nghiệp quốc phòng, nên để cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia thi công. Chúng tôi tự tin có kinh nghiệm thi công, có máy móc mua của Mỹ, châu Âu… nên sẽ đề nghị được tham gia”.

Tập đoàn Cienco 4 (hoạt động chủ lực về thi công, đầu tư công trình giao thông) cũng vừa phát công văn đề nghị chỉ định mình làm nhà thầu hoặc nhà đầu tư. Lý do được Cienco 4 đưa là là doanh nghiệp này đầu tư dự án BOT Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) nên khi đường cao tốc Bắc-Nam chạy song song hình thành, họ sẽ chịu nhiều rủi ro. Vì thế, Cienco 4 đề nghị được chỉ định thi công/đầu tư đoạn cao tốc Bắc-Nam thuộc phân đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh để tránh rủi ro và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho tập đoàn.

Ông Thanh cho rằng, để giải quyết các mối quan hệ chằng chịt, nhóm lợi ích đan xen và cả những đề nghị của các doanh nghiệp tư nhân như Phương Thành hay Cienco 4, phương án tốt nhất vẫn là đấu thầu. “Trường hợp phải quyết định chỉ định thầu, cần lập ra một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập, có chuyên môn, chuyên tâm, đủ đông như chấm thầu để các nhóm lợi ích không thể chạy chọt được”, ông nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện một số Vụ, Cục của Bộ GTVT xác nhận, trong Luật Đầu tư công hiện nay có các điều khoản cho phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc có chuyển 9 dự án cao tốc sang đầu tư công, có được chỉ định thầu hay không phải có ý kiến chính thức của Chính phủ, Quốc hội. “Hiện tại, chúng tôi có nhận nhiều đề nghị được chỉ định thầu của các doanh nghiệp nhưng chỉ mới xem rồi bỏ đó, chưa xử lý vì chưa đến giai đoạn đó”, một vị nói.

nguồn: cafef 

Chia sẻ:

Bình luận

Tin liên quan