Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Singapore

Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Singapore

Chính phủ Singapore gần đây đã tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (và hộ gia đình, cá nhân) ở Singapore được công bố hồi tháng 2 và tháng 3 năm nay. Những giải pháp này sẽ là một tham khảo chính sách tốt cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đã có những đề xuất mở rộng các chính sách hỗ trợ đến cả doanh nghiệp nhà nước với những ưu đãi bất hợp lý.

 

 

3 nhóm giải pháp hỗ trợ chính

Do hỗ trợ việc làm và thu nhập cho người lao động có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở khía cạnh đảm bảo an sinh xã hội mà còn trực tiếp giúp doanh nghiệp có thêm năng lực tài chính để giữ lại nhân công, tồn tại qua dịch và sẵn sàng hoạt động bình thường trở lại sau dịch, nên trong nhóm giải pháp hỗ trợ đầu tiên của Chính phủ Singapore là Chương trình hỗ trợ việc làm. Theo đó, Chính phủ sẽ thay công ty trả lương, tối đa là 75% của ngưỡng 4.600 SGD/tháng cho người lao động ở tất cả các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch (mức cao nhất 75% là cho ngành hàng không và du lịch, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Singapore; các mức còn lại là 50% cho ngành bán đồ ăn, và 25% cho các ngành còn lại) trong vòng 9 tháng.

Nhóm giải pháp hỗ trợ thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về dòng tiền, gồm các biện pháp cụ thể như: (i) hoàn 25% thuế thu nhập doanh nghiệp (tối đa là 15.000 SGD/công ty); (ii) tăng thêm thời gian trả góp thuế thu nhập doanh nghiệp không lãi suất; (iii) hỗ trợ vốn lưu động cho riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong tất cả các ngành. Chính phủ sẽ huy động tối đa 1 triệu SGD cho một SME từ các ngân hàng tham gia cho vay, và Chính phủ sẽ đảm trách 80% rủi ro cho khoản vay này, có thời hạn tối đa 1 năm, từ 1/4/2020. Tương tự, với các SME cần khoản vay tài trợ thương mại ngắn hạn như tín dụng xuất nhập khẩu và bảo lãnh thì Chính phủ sẽ huy động tối đa 10 triệu SGD từ các ngân hàng tham gia cho vay, và chia sẻ 80% rủi ro khoản vay này, cũng có thời hạn 1 năm; 

(iv) chương trình bảo hiểm vốn vay tài trợ thương mại ngắn hạn cho SME trong các ngành có nhu cầu nay, theo đó các khoản vay tài trợ thương mại cho SME sẽ được mua bảo hiểm nghĩa vụ thanh toán, và tiền mua bảo hiểm sẽ được Chính phủ tài trợ 80%, trong vòng 1 năm (v) chương trình vay bắc cầu tạm thời cho tất cả các ngành với giá trị khoản vay tối đa 5 triệu SGD và lãi suất là 5%/năm. Chính phủ sẽ chia sẻ 80% rủi ro khoản vay này.

Nhóm giải pháp hỗ trợ thứ ba là các giải pháp riêng rẽ cho từng ngành đặc thù bị ảnh hưởng bởi dịch như du lịch, bán lẻ, ăn uống, khách sạn và hàng không. Những giải pháp này gồm đào tạo lại nghề nghiệp, triển khai marketing số v.v...

Liên hệ với Việt Nam

Qua các giải pháp trên có thể thấy Chính phủ Singapore đã thiết kế những giải pháp hỗ trợ rất cụ thể cho từng đối tượng cần hỗ trợ trên tinh thần là không cho không mà phải luôn có sự kết hợp với doanh nghiệp cùng chia sẻ gánh nặng, tuy Chính phủ có thể đảm trách phần nhiều hơn. Điều này là để hạn chế sự ỷ lại, và nhất là trục lợi của doanh nghiệp theo kiểu không khó cũng kêu khó, cũng đòi hỏi được hỗ trợ, và hỗ trợ nhiều hơn.

Ngoài ra, đặc điểm chung của các giải pháp hỗ trợ của Singapore là có hạn mức cụ thể và thời hạn cụ thể, thường chỉ tối đa đến một năm, chứ không có chuyện không những đòi cho vay lãi suất 0% mà còn đòi cho vay trong thời hạn tới 3 năm như đang được đề xuất ở Việt Nam cho các DNNN.

Đối với các hỗ trợ về vay vốn cho doanh nghiệp, điều đáng chú ý từ kinh nghiệm của Singapore là Chính phủ chỉ dành các hỗ trợ này cho SME chứ không dành cho các công ty lớn của nước này. Điều này có nghĩa là nếu áp dụng ở Việt Nam thì các doanh nghiệp lớn, gồm các tập đoàn, tổng công ty không chỉ của nhà nước, gồm doanh nghiệp nhà nước nói chung, mà của cả tư nhân sẽ không được nhà nước hỗ trợ vay vốn.

Trong việc hỗ trợ vay vốn, Chính phủ Singapore không trực tiếp cấp vốn nhà nước cho doanh nghiệp (dù là thông qua hệ thống ngân hàng). Thay vào đó, doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp vay vốn từ ngân hàng thương mại nhưng được Chính phủ bảo lãnh trực tiếp một phần khoản vay này hoặc bảo lãnh gián tiếp một phần thông qua mua bảo hiểm khoản vay từ các công ty bảo hiểm.

Như vậy, ở Việt Nam nếu Chính phủ có muốn giúp doanh nghiệp vay vốn thì ngoài việc yêu cầu chung chung và để hệ thống ngân hàng thương mại tự quyết định cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, Chính phủ có thể khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn bằng các các cụ thể như Singapore đã và đang làm. Nhờ đó, ngân hàng thương mại sẽ yên tâm hơn trong cho vay vì có sự bảo lãnh một phần của Chính phủ, còn các doanh nghiệp thì có trách nhiệm hơn khi đi vay (vì vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán một phần khoản vay, ngoài phần được chia sẻ bởi Chính phủ).

nguồn: cafef

Chia sẻ:

Bình luận

Tin liên quan