Sẽ bơm thêm trên 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong năm nay

Sẽ bơm thêm trên 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong năm nay

Trong thời gian qua các ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Riêng cho vay mới ở mặt bằng lãi suất thấp hơn đã đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng với hơn 354 nghìn khách hàng được vay.

 

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết NHNN và toàn bộ hệ thống ngân hàng đang triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Về hoạt động tín dụng, theo Thống đốc, đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm (với tổng dư nợ vào khoảng hơn 8,3 triệu tỷ đồng). Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong hai tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.

Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng trưởng khoảng 11-14% so với cuối năm 2019.

Còn theo báo cáo của NHNN chuẩn bị cho hội nghị, thời gian qua, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi trên quy mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm, dẫn đến tín dụng tăng trưởng còn hạn chế.

Về công tác hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng. Đồng thời các TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm. Trong đó, các TCTD đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng. Dự nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng), Bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng), Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (16.000 tỷ đồng)...

nguồn: cafef

Chia sẻ:

Bình luận

Tin liên quan