Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng khó như "bắc thang lên trời"

Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng khó như "bắc thang lên trời"

Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng (nay là 300.000 tỷ đồng) được công bố sớm nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận gói này.

 

Khó chứng minh thiệt hại do COVID-19

Trước đây khi gói tín dụng 285.000 tỷ đồng được công bố, đã có hơn 10 ngân hàng tham gia với lãi suất cho vay cam kết thấp hơn 0,5-2,5%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn rất khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Như Khoa- Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hải An, cho biết, hiện ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn thông thường, thay vì dịch bệnh. Theo đó, các ngân hàng vẫn đòi tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp muốn vay vốn để duy trì hoạt động. "Hiện chúng tôi rất cần vốn nhưng lại không có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền hoạt động dương để trả nợ. Đây là điều rất khó với doanh nghiệp lúc dịch bệnh như thế này", ông Khoa than thở.

Hay như chuỗi giáo dục tư nhân của một doanh nghiệp giáo dục ở Hà Nội cũng bị thiệt hại nặng do dịch bệnh, khiến các cơ sở dạy tiếng Anh phải đóng cửa. Doanh nghiệp này cũng đang có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại yêu cầu chứng minh doanh nghiệp thuộc nhóm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như khả năng trả nợ. "Với ngành này, mặt bằng chủ yếu là thuê, dòng tiền gặp vấn đề do phải đóng cửa nhiều cơ sở nên chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng", đại diện lãnh đạo của doanh nghiệp nói trên cho biết.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp giáo dục, mà nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề kinh doanh khác cũng phản ánh rất khó chứng minh được thiệt hại do dịch COVID-19, cũng như dòng tiền trả nợ để tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng.

Bộ Công thương mới đây cho biết, hầu như các doanh nghiệp thuộc ngành này rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng. Bởi NHNN dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại. Trong khi bản thân các ngân hàng cũng hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông. Vì vậy, các ngân hàng hạn chế hỗ trợ doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh do sợ ảnh hưởng lợi nhuận và kết quả kinh doanh…

Hy sinh lợi nhuận để cứu doanh nghiệp

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, khi cung cấp gói hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vốn vô điều kiện, bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Trong khi đó, dòng vốn hỗ trợ này rất quan trọng để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Đây là nhu cầu cần thiết nhất lúc này để doanh nghiệp thanh toán các khoản chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng, lương nhân công tối thiểu... Còn với doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu vốn cần để thanh toán các nghĩa vụ tài chính và chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chờ phục hồi sản xuất. Do đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ để tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch này, mới đây trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp để hỗ trợ ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ cho vay đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đề xuất tái cấp vốn để hạ lãi suất là chưa đủ và chưa trúng. Bởi việc cho vay tái cấp vốn sẽ rất hạn chế để hỗ trợ các TCTD để giảm lãi suất cho vay. "NHNN chỉ cho vay tái cấp vốn tối đa 60% đối với dư nợ tín dụng cần tái cấp vốn, còn lại 40% sẽ xử lý như thế nào? Hơn nữa, nếu hạ lãi suất tái cấp vốn xuống rất thấp để hỗ trợ lãi suất cho NHTM, thì bản chất chính là "dùng tiền ngân sách" để bù lãi suất giống như năm 2009, sẽ rất phức tạp khi triển khai và đôi khi dòng vốn lại chảy vào những chỗ rủi ro, gây hệ lụy lâu dài", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề nghị ngành ngân hàng cần đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn trả nợ, điều kiện cơ cấu nợ...

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho việc hạ lãi suất cho vay.

Trên thực tế, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đang là những ngân hàng tham gia tích cực nhất vào gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Còn nhớ tại cuộc họp với NHNN ngày 31/3, Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm, và ngay sau đó đã công bố chính thức các gói hỗ trợ lớn với lãi suất thấp…

Hy vọng với những quyết sách này, dòng vốn tín dụng hỗ trợ tiếp tục tuôn chảy để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19…

nguồn: cafef

 

Chia sẻ:

Bình luận

Tin liên quan