Có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm theo khảo sát của VCCI.
Trước thềm Hội nghị Chính phủ với địa phương bàn về tháo gỡ khó khăn trước tá động của dịch COVID-19 dự kiến sẽ diễn ra ngày 10-4 tới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã có bài chia sẻ về thực trạng doanh nghiệp.
Theo ông, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp.
Dẫn chứng là trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.
Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Cũng theo VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động.
"Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây" - ông Lộc cảnh báo.
Chủ tịch VCCI cho rằng cùng với các giải pháp ngắn hạn như tập trung phòng, chống dịch bệnh, cần hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh bằng chính sách tài khoá, chính sách tín dụng, chính sách lao động, tiền lương và công đoàn, mà điển hình là đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021....
Về dài hạn, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp, trong các ngành công nghiệp dệt may, da dày, điện tử là thách thức lớn. Vì vậy, ông Lộc đề nghị cần nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng như 5 triệu hộ kinh doanh là vấn đề đặt ra hiện nay.
Hội nghị Chính phủ với địa phương tháo gỡ khó khăn sẽ tổ chức ngày 10-6
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 sẽ diễn ra vào ngày 10-4, do Thủ tướng chủ trì.
Hội nghị sẽ thảo luận các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhóm giải pháp hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Nguồn: tuoitre.vn
Bình luận